Phong tục mang túi thơm bên mình
Tục đeo túi thơm là một nét đẹp văn hóa truyền thống của các hoàng tử công chúa trong cung cũng như các công tử tiểu thư gia đình đài các.
Cung nữ thời xưa không ai là không đeo túi thơm, bởi đây không chỉ là một món phụ kiện đẹp mắt mà còn mang ý nghĩa bảo vệ sức khỏe và tinh thần. Trong không gian cung đình, nơi các cung nữ phải sinh hoạt trong khuôn viên kín, việc đeo túi thơm giúp thanh lọc không khí, kháng khuẩn, và tạo mùi hương dễ chịu.
Hơn thế, túi thơm còn là vật mang lại sự may mắn, bình an, được tin rằng sẽ giúp bảo vệ các cung nữ khỏi những bệnh tật và ảnh hưởng xấu từ môi trường. Chính vì vậy, túi thơm trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ, tượng trưng cho sự duyên dáng và bảo vệ cá nhân.
Ngoài ra, túi thơm còn là một biểu tượng của sự tinh tế, khi túi thơm thường được thêu hoa văn đẹp mắt, trở thành món trang sức đặc trưng của giới quyền quý, danh giá.
✒️ Túi thơm ghi chép trong cổ thư
Túi thơm là một loại túi đeo, được đặt tên theo các hương liệu đựng trong túi, trong các ghi chép cổ còn được gọi là Bội vi, Dung xú, Hương đại hoặc Hương bao... Nó thường được buộc bên hông hoặc trên dây đai ở sau khuỷu tay, một số còn được buộc vào màn hoặc xe ngựa.
“Tiêu chuyên nịnh dĩ mạn thao hề, Sát hựu dục sung phù bội vi” - “Bội vi” ở đây chính là túi thơm.
Nam nữ chưa đến tuổi đội mũ cài trâm, cổ áo dải mũ đều đeo dung xú - “Dung xú” cũng dùng để chỉ túi thơm.
Chất liệu của túi thơm thời xưa cũng rất phong phú, được chế tác từ vải lụa mềm mại hoặc gấm quý, thường được thêu hoa văn tinh xảo, có những túi thơm đính ngọc trai bằng lụa mạ vàng, mạ bạc hay như chạm khắc ngọc bích, khảm ngọc lục bảo hoặc lụa thêu.…
Túi thơm có rất nhiều hình dạng, bao gồm hình tròn, hình vuông, hình bầu dục, hình hồ lô, hình quả lựu, hình trái đào... đa số là hai mảnh ghép lại với nhau, ở giữa rỗng, cũng có loại túi thắt miệng nhưng phải có lỗ để thông gió tỏa ra mùi thơm. Bên trên túi có một dải lụa để treo, bên dưới là dây lụa nhiều màu hoặc tua ngọc…
Bên trong túi thơm chứa các loại thảo mộc như Ngải cứu, Quế, Hồi, Xạ hương, Hùng hoàng, Trầm hương… Những loại thảo dược này không chỉ có tác dụng khử khuẩn, xua đuổi côn trùng, mà còn mang lại mùi hương dễ chịu, giúp con người thư giãn, giảm căng thẳng.
☘️ Phương pháp phòng dịch bằng hương liệu
"Bảo bối phòng dịch" của người xưa chính là những túi thơm hay các loại hương liệu quý, mang theo bên mình như một phương pháp phòng dịch hiệu quả. Thời kỳ chưa có thuốc men phát triển, người xưa đã sử dụng thảo dược tự nhiên để xua đuổi tà khí và bảo vệ sức khỏe. Phương pháp phòng dịch bằng hương liệu đã được người xưa sử dụng rộng rãi, từ giới quý tộc hoàng cung đến thường dân.
Những loại hương liệu này không chỉ có tác dụng diệt khuẩn, làm sạch không khí mà còn tạo ra một lớp phòng vệ vô hình, giúp con người tránh xa bệnh tật và tà khí. Phương pháp này thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về thảo dược và giá trị tinh thần trong việc bảo vệ sức khỏe của người xưa.
Nếu nói rằng đeo một chiếc túi thơm có thể phả hương và điều hòa khí, để khí trong cơ thể được điều chỉnh thông suốt và ngăn chặn sự xâm nhập của bệnh tật, thì được ví như một người luôn giữ được sự thiện lương và bình hòa, một thân chính khí, khi đó tà khí sẽ không dám tới gần.
Mặc dù những chiếc túi thơm của các thời kỳ có hình dáng, cách đeo và hương liệu khác nhau, nhưng đều mang ý nghĩa trừ ác khí và xua đuổi tà ma.
Trong cổ thư cũng có viết về cách chế tác “túi thơm trừ bệnh”, tức là dùng Khương hoạt, Đại hoàng, Sài hồ, Thương truật, Tế tân, Ngô thù du... nghiền thành bột mịn, cho vào túi thơm đeo ở trước ngực. Đeo lâu dài có thể phòng ngừa cảm mạo bốn mùa, tránh được ôn dịch.
Trong tác phẩm “Hoàng Đế Nội Kinh” có đề cập rằng: Khi mà chính khí của thân thể cường thịnh thì tà khí không dễ xâm nhập vào cơ thể, cho nên cũng sẽ không dễ nhiễm bệnh tật. Tà khí có thể xâm nhập vào cơ thể người thì nhất định là do chính khí đã suy yếu. Vậy nên bảo vệ chính khí, không để tà khí bên ngoài xâm phạm, chính là cách mà người xưa dùng để tăng cường khả năng kháng bệnh.
Vậy nên từ xa xưa, người phương đông đã biết mang theo túi thơm bên mình để có tác dụng trừ tà và phòng chống dịch bệnh.
💎 Túi thơm - gìn giữ văn hóa truyền thống
Ngày nay, vẫn có những người yêu thích việc dùng túi thơm để đeo bên túi xách, treo trong ô tô hay đặt trên bàn làm việc. Tuy nhiên, những câu chuyện xoay quanh chiếc túi thơm đã dần bị lãng quên.
Mỗi bảo vật trong thế gian đều ẩn chứa một câu chuyện riêng, như muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Khi tìm lại được ý nghĩa thực sự của sự tồn tại những bảo vật ấy, lòng ta sẽ thổn thức trước giá trị tinh hoa của nền văn hóa truyền thống.




